Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ba sai lầm phổ biến về hưu trí của các nhà đầu tư châu Á qua khảo sát của Manulife: tuổi thọ, tiền bạc và công việc

• Các nhà đầu tư châu Á ước tính sai tuổi thọ của họ thấp hơn 5 năm so với thực tế

• Các nhà đầu tư cho rằng chi phí hưu trí sẽ chiếm khoảng hai phần ba thu nhập hiện tại, nhưng thực tế có thể cao hơn nhiều
• Hơn một nửa số các nhà đầu tư châu Á dự kiến sẽ tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu nhưng khả năng họ thực hiện được kế hoạch này không cao như họ nghĩ

Hồng Kông, ngày 27 tháng 01 năm 2014 – Các nhà đầu tư Châu Á tin rằng họ có khả năng tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu và chi phí cho cuộc sống khi đó chỉ chiếm khoảng hai phần ba thu nhập hiện tại của họ, điều này khiến viễn cảnh về cuộc sống hưu trí nhiều hứa hẹn hơn là lo ngại.

Kết quả từ cuộc khảo sát mới đây nhất của Manulife về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư châu Á cho thấy họ rất lạc quan khi nghĩ về thời gian nghỉ hưu, xem đó là khoảng thời gian dành cho thư giãn, du lịch và gia đình, và có thể làm thêm để bổ sung nguồn thu nhập. Các nhà đầu tư cũng dự đoán là họ sẽ nghỉ hưu sớm một vài năm. Tuy nhiên, những mong đợi này của nhà đầu tư trong nhiều trường hợp được cho là quá lạc quan và chưa khớp với thực tế.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy các nhà đầu tư đã có những nhận định chưa đúng đối với 3 vấn đề chính liên quan đến nghỉ hưu đó là  thời gian nghỉ hưu thực tế, chi tiêu hàng ngày trong suốt thời gian nghỉ hưu và khả năng làm việc của họ.   

Tuổi thọ càng cao, thời gian nghỉ hưu càng dài Rất nhiều nhà đầu tư dự đoán tuổi thọ của họ thấp hơn thực tế. Số liệu về tuổi thọ cho thấy những người tham gia cuộc khảo sát có nhiều khả năng sống lâu hơn 5 năm so với dự đoán của họ. Vì thế, khoản tiết kiệm dành cho hưu trí của họ cũng có khả năng sẽ cạn kiệt sớm hơn dự định.

Ông Robert A. Cook, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Manulife Financial Châu Á cho biết: "Đáng tiếc là nhiều người đã đặt sai mục tiêu và chỉ nhận ra sai lầm khi thời gian không còn nhiều nữa, do đó họ phải cố gắng trì hoãn việc nghỉ hưu. Qua cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy những người ở độ tuổi 20 mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 58 và những người ở độ tuổi 60 lại mong muốn độ tuổi nghỉ hưu được kéo lên đến tuổi 65. Khi tuổi đời càng cao, nhiều người nhận ra là họ sẽ sống lâu hơn. Những nhà đầu tư tham gia khảo sát này, ngay cả những người đã chủ động đầu tư cho hưu trí, đều tiếc rằng giá như họ có thể bắt đầu kế hoạch hưu trí sớm hơn nữa hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn cho quỹ hưu trí".

Tiết kiệm cho hưu trí là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư tại tất cả các thị trường được tiến hành khảo sát, ngoại trừ Malaysia, nơi có gần hai phần ba nhà đầu tư tin rằng họ chắc chắn hoặc đủ khả năng để chu cấp cho khoảng thời gian hưu trí của mình. Nhưng, dựa vào số liệu thống kê từ cuộc khảo sát thì có một khoảng cách là 6 năm giữa tiết kiệm và chi phí cho hưu trí.

Chi tiêu hưu trí vượt quá mong đợi Những nhà đầu tư cho biết họ mong đợi chi phí cho cuộc sống hưu trí chiếm trung bình khoảng 64% thu nhập hiện tại, nhưng thực tế thì chi phí này có thể sẽ cao hơn nhiều. Điều này vẫn chưa hoàn toàn phản ánh hết tình hình vì ngoài ra còn có đến 48% nhà đầu tư Châu Á xem kỳ nghỉ hưu là thời gian tự do để làm những gì họ muốn, 41% xem đó là thời gian để tận hưởng những gì họ đã kiếm được trong những năm trước, và 40% cho rằng họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho  gia đình và bạn bè. Phần lớn nhà đầu tư đều có thái độ lạc quan về việc nghỉ hưu, song băn khoăn nhiều về vấn đề tuổi già và sức khỏe yếu. Đây là những vấn đề được cân nhắc hàng đầu của các nhà đầu tư ở Indonesia (40%) và Hồng Kông (34%).

Ông Michael Dommermuth, Chủ tịch toàn cầu của Tập đoàn Manulife Asset Management cho biết: "Các nhà đầu tư Indonesia và Hồng Kông rất khôn ngoan khi đã cân nhắc đến chi phí chăm sóc sức khỏe. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề sức khỏe từ kinh nghiệm cá nhân với gia đình hoặc bạn bè, và thực tế thì chi phí y tế ở Châu Á đã tăng nhanh gấp đôi tốc độ lạm phát trong vòng 10 năm qua. Số liệu Ngân hàng Thế giới cho thấy việc chi tiêu cho y tế của 1 người ở Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong 10 năm qua. Ở Singapore, chi phí y tế cao hơn khoảng 3 lần và ở Indonesia là 2 lần. Chăm sóc sức khỏe rất tốn kém và khi tuổi càng cao, chúng ta càng cần nhiều hơn.”

Khả năng và sự sẵn sàng làm việc khi về hưu đã được đánh giá quá lạc quanCuộc khảo sát cũng cho thấy các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu đi làm đều hy vọng sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình là 60 và họ chỉ thực sự nhận ra vấn đề khi tới gần tuổi nghỉ hưu và bắt đầu muốn kéo dài thời gian làm việc đến tuổi 66. Độ tuổi 66 này đã tính luôn 6 năm dự định làm việc thêm sau khi hưu. Các nhà đầu tư Singapore có mong muốn thời gian làm việc sau nghỉ hưu lâu nhất (thêm 9 năm sau hưu, đến tận tuổi 70).

Phần lớn các nhà đầu tư trong khu vực đều nghĩ về việc đi làm sau khi về hưu với thái độ tích cực: đó là cách để duy trì sự năng động, duy trì các mối quan hệ và giữ gìn sức khỏe. Rất ít người cho rằng họ bắt buộc phải làm việc sau khi nghỉ hưu. Nhưng thực tế cho thấy dù muốn hay không - việc tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu vẫn rất khó thực hiện.

Ông Dommermuth giải thích thêm "Nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ sử dụng lao động lớn tuổi thực tế nhìn chung thấp hơn tỷ lệ thu được từ cuộc khảo sát này. Ở Bắc Á, lao động lớn tuổi chiếm khoảng 6% ở Hồng Kông, 8% ở Đài Loan và 22% ở Nhật Bản. Nguyên nhân là vì mặc dù người về hưu mong muốn tiếp tục được làm việc nhưng họ khá kén chọn loại hình công việc, và sẵn sàng chờ đợi để tìm được một vị trí phù hợp với sở thích cá nhân của họ, linh hoạt về mặt thời gian và sử dụng ít sức lực.”

Trái ngược với sự kỳ vọng của các nhà đầu tư là được tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, nhóm lao động trong độ tuổi từ 65 trở lên tại các nước phát triển của Châu Á đang thu nhỏ dần chứ không tăng thêm. Ví dụ, ở Hồng Kông, con số này đã giảm xuống còn khoảng một phần tư so với cách đây 30 năm.

Do đó, viễn cảnh hưu trí mà các nhà đầu tư Châu Á vẽ ra với những dự định được lên kế hoạch sẵn có thể sẽ khiến họ phải nản lòng.

Bà Donna Cotter, Trưởng bộ phận Quản lý tài sản của Manulife châu Á cho biết: "Khi so sánh với các nhà đầu tư Bắc Mỹ, các nhà đầu tư châu Á có mối tương quan tài sản so với thu nhập hiện tại tốt hơn. Nhưng họ lại không sử dụng tài sản một cách hiệu quả như các nhà đầu tư Bắc Mỹ. Ví dụ, các nhà đầu tư Châu Á có thói quen tích trữ quá nhiều tiền mặt thay vì mang đi đầu tư, điều đó làm mất giá trị của tiền mặt. Nếu lưu tâm và có kế hoạch đầu tư, các nhà đầu tư châu Á có thể cải thiện viễn cảnh hưu trí của mình một cách khá dễ dàng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét